Trong sách “Hàn Thi ngoại truyện” có ghi rằng, một vị quân chủ muốn thống trị tốt quốc gia, làm cho thiên hạ thái bình, an ổn thì phải có “3 điều sợ”, chính là sợ “Quá”, sợ “Kiêu” và sợ “Không thể hành”.

Sợ “Quá” tức là sợ thân ở địa vị cao mà không nhìn ra lỗi lầm của mình. Sợ “Kiêu” tức là sợ khi đắc ý sẽ kiêu căng ngạo mạn, phóng túng dục vọng bản thân mà chiêu mời tổn hại. Sợ “Không thể hành” tức là sợ rằng bản thân đã nghe được những lời giáo huấn đạo lý nhưng lại không thể kiên trì làm được trong thực tế.

Sợ thân ở vị trí cao mà không nhìn ra lỗi của mình

“Hàn Thi ngoại truyện” kể rằng, sau khi Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô hùng mạnh thì triều nhà Chu đã công nhận địa vị bá chủ phía nam của nước Việt.

Việt Vương Câu Tiễn lúc ấy vô cùng thận trọng. Ông đã triệu tập quần thần đến nói: “Ngô Vương Phù Sai bởi vì kiêu ngạo không nghe ai mà dẫn đến mất nước. Từ nay kẻ nào biết sai trái của ta mà không nói cho ta biết thì chính là phạm tội”.

Khi một người ở địa vị cao, vị trí tôn quý, thì phải thận trọng, phải biết lắng nghe những lời góp ý của người khác về bản thân mình. Bởi vì khi ở địa vị cao, người ta thường không nhìn ra những lỗi lầm của mình, từ đó mà gặp tai họa.

Trong lịch sử, các vị minh quân như Hoàng đế Khang Hy triều Thanh, Hoàng đế Đường Thái Tông triều Đường đều đề cao tầm quan trọng của việc này.

Sợ kiêu ngạo khi đắc ý

Con người rất dễ dàng vui mừng quá mức, sinh ra tâm ngạo mạn, dương dương tự đắc khi đạt được chút thành tựu nào đó. Tuy nhiên, những tai họa, tổn hại thường lại đến trong những tình cảnh như vậy.

Thời Xuân Thu, Tấn Văn Công Cơ Trùng Nhĩ giao chiến với quân nước Sở, cuối cùng chiến thắng nước Sở. Các tướng sĩ và binh lính ai nấy đều vui mừng đắc ý, đốt cháy doanh trại của binh lính nước Sở. Lửa lớn ba ngày ba đêm không tắt, tài vật tổn thất rất lớn.

Tấn Văn Công sau khi bãi triều, trên mặt thể hiện ra thần sắc vô cùng sầu lo. Các đại thần thân cận thấy vậy bèn nói với ông: “Quân ta đại thắng quân Sở, vì sao quân vương lại mang vẻ mặt sầu lo như vậy?”

Tấn Văn Công đáp: “Thắng lợi mà không kiêu ngạo, không buông thả thì mới có thể đạt được bình an lâu dài. Hiện giờ quân ta đạt được thắng lợi liền kiêu ngạo tự mãn, như vậy thì sao có thể được lâu dài, bởi thế ta mới sầu lo”.

Sợ nghe chân lý mà không thực hiện được

Thời Xuân Thu, vua nước Tề là Tề Hoàn Công được hai vị hiền thần nổi danh là Quản Trọng và Thấp Bằng phụ tá. Nhờ hai vị hiền thần trợ giúp mà Tề Hoàn Công có thể minh tỏ sai trái, đạo đức cũng vì thế mà tăng tiến. Chính vì thế, Tề Hoàn Công cảm thấy vô cùng may mắn. Cho nên, ông đã lựa chọn một ngày tốt lành để tế bái tổ tiên.

Trong ngày tế tổ, Tề Hoàn Công đã quỳ lạy kính xin tổ tông tiếp tục phù hộ, giúp ông có thể theo lý mà hành, khiêm tốn tiếp nhận chỉ dạy của các vị hiền thần.

Đạo lý “tam sợ” mà cổ nhân giảng này, kỳ thực đều là những lời giáo huấn mà mỗi người cần coi trọng và tham chiếu. Bất kỳ ai muốn đạt được thành công, đạt được tiến bộ thì đều nên biết rõ khuyết điểm của bản thân mình, từ đó mà mau chóng sửa đổi. Ngoài ra người đó còn phải khiêm tốn, thận trọng, không thể vì đắc ý mà quên mình, làm điều xằng bậy. Đối với những người sáng suốt, nghe được điều hợp đạo lý là điều vô cùng may mắn. Trong hành vi, lời nói của họ đều sẽ tuân thủ theo đạo lý, mà không thể chỉ nghe rồi để vậy.

Một vị minh quân làm được “biết sợ” thì thiên hạ thái bình, an ổn lâu dài. Một người bình thường làm được “biết sợ” cũng sẽ tránh được nhiều phiền nhiễu, tai ương, sống được bình an vô sự.

Theo trithucvn

Tin tức khác