Đồng Nai: Đâu rồi làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Bửu Long?
Làng đá Bửu Long (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là một trong những làng nghề nổi tiếng, đã tồn tại trên địa bàn hơn 300 năm. Sản phẩm điêu khắc đá nơi đây là mặt hàng có chất lượng, được bán rộng rãi trong và ngoài nước, chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng giá trị hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Thế nhưng hiện nay, làng nghề đang vấp phải rất nhiều khó khăn và có nguy cơ bị mai một theo thời gian.
Qua rồi thời huy hoàng…
Qua rồi thời huy hoàng…
Chúng tôi tìm về lại làng đá Bửu Long, thế nhưng khác với khung cảnh hăng say làm việc, sáng tạo nghệ thuật của các nghệ nhân trước kia thì giờ đây các nghệ nhân ấy chỉ làm việc cầm chừng và gần như làm “nghỉ nhiều làm ít”.
Bụi là nguyên nhân chính dẫn đến sự mai một làng nghề này
Ông Ôn Văn Thành chủ cơ sở sản xuất Đá Nhật Thành cho biết: “Ngày trước làng nghề rất là thịnh hành, trong làng này hầu như ai cũng làm. Một người trong nhà làm có thể nuôi đến 5 người ăn, thế nên cuộc sống người dân nơi đây thay đổi rõ rệt, mọi người rất phấn khởi, hăng say nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật”.
Thế rồi cũng giống như bao làng nghề khác, làng đá Bửu Long bắt đầu phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Năm 1990 khi khu du lịch Bửu Long được công nhận danh lam thắng cảnh thì đến năm 1996 để bảo tồn cảnh quan của khu du lịch thành phố Biên Hòa ban hành quyết định cấm khai thác đá ở hồ Long Ẩn (nằm trong quần thể khu du lịch Bửu Long). Để tiếp tục hoạt động, các nghệ nhân làm nghề đá phải tìm mua nguyên liệu tận các mỏ đá ở Hóa An, Tân Hạnh, Tân Hiệp (Bình Dương).
“Không có đá để sử dụng, buộc lòng chúng tôi phải nhập đá từ các nơi khác về, ban đầu là Bình Dương, nhưng rồi Bình Dương cũng bị cấm thế là phải mua đá từ các tỉnh phía ngoài như Bình Định, Phú Yên vào nên chi phí vận chuyển tốn rất nhiều. Thế nhưng chẳng nơi nào lại có đá chất lượng, màu xanh “sắc” và độ bền vĩnh cửu như đá Bửu Long”: Theo ông Huỳnh My – 50 tuổi chủ cơ sở sản xuất đá Tân Phát Hưng, đã có hơn 35 năm làm nghề cho biết.
Chỉ còn lác đác vài hộ
Dù vấp phải rất nhiều khó khăn, nhưng vì đam mê và gắng giữ gìn cái nghề truyền thống của cha ông, thế nên nhiều nghệ nhân vẫn cố duy trì cái nghề truyền thống này. Thế nhưng làng nghệ đã vấp phải thêm nhiều khó khăn khác, vấn nạn ô nhiễm môi trường từ bụi đá đã buộc các cơ sở nơi đây vào thế chân tường, các cơ sở muốn tiếp tục làm nghề thì buộc phải thuê đất ở những nơi trống trải không có người dân sinh sống, mới có thể hoạt động được.
Các nghệ nhân làm việc chẳng còn hăng say như trước
Lần lượt các hộ sản xuất nhỏ lẻ, ít vốn đành phải ngậm ngùi bỏ nghề vì không có tiền để thuê đất để tiếp tục duy trì. Ông Huỳnh My cho biết, “từ rất nhiều hộ giờ đây chỉ còn lại 4 hộ sản xuất chính là cơ sở đá Tân Phát Hưng, cơ sở đá Nhật Thành, cơ sở đá Thanh Tâm và cơ sở đá Xuân là có đủ khả năng về kinh tế để tiếp tục hoạt động cầm chừng chứ cũng chẳng còn làm ăn tiến tới như xưa. Hơn thế nữa vừa rồi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức cấm, không cho phép sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, thế là các tác phẩm như Sư Tử, Tỳ Hưu chẳng còn ai mua nữa, đành ngậm ngùi mà bỏ đi”.
Giải pháp nằm im trên giấy
Nhìn một làng nghề bao đời phát triển giờ đây phải đối mặt với nguy cơ xóa sổ thì không ai có thể tránh được sự xót xa, tiếc nối nhất là những nghệ nhân đã có bao đời làm cái nghề này. Dù đã và đang đối mặt với những khó khăn thế nhưng giải pháp đê vực dậy cái làng nghề truyền thống này không phải là không có.
Cặp sư tử đá đẹp này giờ chỉ biết nằm im nơi đây
Theo những nghệ nhân này thì khó khăn về nguồn đá có thể giải quyết được chỉ cần chính quyền cung cấp cho một quỹ đất, thì các nghệ nhân sẵn sàng gia nhập vào một khu tập trung, sẽ làm rất thoải mái, không phiền hà đến người dân cũng như gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư đồng thời tạo nên được tính cạnh tranh để thúc đẩy làng nghề đi lên.
Bà Lê Thị Thu Tâm – chủ tịch UBND phường Bửu Long, cho hay: “Nghề đá những năm gần đây, do đã tác động xấu đến vệ sinh môi trường trong khu dân cư nên đã hạn chế phát triển. Từ 30 – 40 cơ sở giờ chỉ còn vài hộ, Phường cũng đã kiến nghị lên trên nhưng tỉnh vẫn chưa cấp cho quỹ đất, trong tình hình khó khăn chung giờ đây một số đã thay đổi ngành nghề còn một số thì đi làm công nhân trong các khu công nghiệp”.
Giải pháp tập trung làng nghề đã có hơn chục năm nay, thế nhưng không hiểu vì sao nó chỉ mãi nằm im trên giấy trong sự chờ đợi, hy vọng của rất nhiều nghệ nhân nơi đây. Nếu cứ tiếp tục nằm im như thế thì theo các nghệ nhân làng nghệ hơn 300 năm này chỉ còn có thể tồn tại khoảng vài năm nữa thôi, và khoảng 5 – 10 năm sau làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời này chắc chỉ còn neo lại trong ký ức của người dân nơi đây./.
Tác giả bài viết: Lê Trai - Lê Châu
Theo http://vanhien.vn