Vài nét về người Hoa bang Hẹ và làng nghề điêu khắc đá ở Bửu Long
Cũng như các bang khác của người Hoa ở Biên Hòa, người Hoa bang Hẹ có mặt trên đất Biên Hòa từ khá sớm. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết: “…Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1679), Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch, không chịu thuần phục nhà Thanh đã dẫn 3.000 quân và 50 chiếc thuyền nhập cửa biển Tư Dung, xin định cư ở nước ta. Nhóm Long Môn của Dương Ngạn Địch theo cửa Đại, cửa Tiểu đến định cư tại Mỹ Tho; nhóm Cao, Lôi, Liêm của Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ đến sinh sống ở xứ Bàn Lân (Biên Hòa ngày nay)”. Từ đợt những người Trung Hoa đầu tiên sang xin định cư ở nước ta mà sử sách đã ghi đến nay đã trên 300 năm, họ gồm những người cùng quê quán, tiếng nói, phong tục… hợp thành những cộng đồng có tổ chức chặt chẽ gọi là bang. Thời chúa Nguyễn, Lưu thủ dinh Trấn Biên chia người Hoa thành bảy bang khác nhau (gọi là Thất phủ) bao gồm: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu (Tiều), Hải Nam, Hẹ (Sùng Chính), Phúc Châu, Quỳnh Châu. Mỗi bang thường có một vài nghề truyền thống sinh sống khác nhau tạo nên nét đặc trưng của người Hoa trên khắp thế giới và khi du nhập vào Việt Nam điều đó không trở thành ngoại lệ người Tiều trồng rau, trồng lúa, cho nông dân vay tiền trước, đến mùa thu hoạch trừ nợ; người Quảng Đông thường mở tiệm ăn (tửu lầu); người Phúc Kiến giỏi buôn bán; người Hải Nam mở tiệm ăn Âu (restaurant); người Hẹ mở tiệm thuốc Bắc, dệt vải và đặc biệt là làm đá mỹ nghệ, đá dân dụng… Các bang này, sau khi đã di cư đến vùng đất mới an cư, lập nghiệp vẫn duy trì thiết chế văn hóa, cơ sở tín ngưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, sinh hoạt văn hóa riêng của cộng đồng người Hoa. Với bang Phúc Kiến xây dựng Phụng Sơn tự thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, bang Triều Châu có Hội quán Kiều Ân Đường, bang Quảng Đông có miếu Quan Đế (Chùa Ông) thờ Quan Công và bang Hẹ có Miếu Tổ sư thờ Tam vị Tổ sư: (Đá, Mộc và Rèn).
Như vậy, sau khi dừng chân ở xứ Bàn Lân (Biên Hòa ngày nay), nhóm Trần Thượng Xuyên trong đó có cả người Hoa bang Hẹ đã đến Cù lao Phố khai hoang, lập nghiệp, lập ấp, xây dựng phố xá, phát triển nơi đây thành một thương cảng sầm uất bậc nhất xứ Đàng trong suốt thế kỷ XVII - XVIII. Mỗi bang có một nghề khác nhau nên người Hoa đã di dân đến từng vùng thích hợp để thuận tiện cho việc phát triển ngành nghề của họ. Người Hẹ có nghề thủ công cổ truyền là điêu khắc đá nên định cư ở Cù lao Phố một thời gian thì họ di chuyển đến sinh sống ở khu vực Bửu Long - nơi có nguồn nguyên liệu đá xanh dồi dào, chất lượng tốt, dễ khai thác, phù hợp với nghề truyền thống từ chính quốc. Làng nghề điêu khắc đá ở Bửu Long hình thành trong thời gian này và được phát triển thêm các nghề: Mộc và Rèn. Giữa các nghề này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nghề này tác động vào nghề kia để tồn tại và phát triển. Đến nay nghề Mộc và Rèn đã bị mai một chỉ còn nghề điêu khắc đá vẫn tồn tại và phát triển khá thịnh vượng. Bằng sự kết hợp giữa đôi tay khéo léo, lành nghề cùng với máy móc hiện đại, sản phẩm của làng đá Bửu Long rất đa dạng, phong phú và thông dụng trở thành thương hiệu lớn trên đất Biên Hòa - Đồng Nai. Các công trình xây dựng bằng đá như: tượng đài, bậc tam cấp, kỳ lân, tượng đá, hoa văn trang trí rồng phượng; đồ thờ cúng trong các cơ sở tín ngưỡng như: tứ linh, bia mộ, bàn thờ, đèn đá, lư hương, chân đèn đến những đồ dùng trong sinh hoạt gia đình như: cối, chày, ly, bàn, cờ tướng... Tất cả đều mang quan điểm nhân sinh của nghệ nhân làm đá. Các sản phẩm như: kỳ lân, rồng, sư tử với vóc dáng và gương mặt dữ dằn nhưng không làm người xem sợ hãi. Các tượng thần thánh, Phật gây cho người chiêm bái một ấn tượng thiêng liêng nhưng không xa cách với nét mặt từ bi, trang nghiêm. Những cái tên quen thuộc như: Tân Phát Hưng, Đặng Hữu Lợi, Bửu Long, Tín Nghĩa, Tân Vĩnh Quang, Nhật Thành, Ôn Sòi… đã góp phần tạo nên thương hiệu cho làng đá Bửu Long. Nhờ nét độc đáo ấy, sản phẩm của làng đá Bửu Long không chỉ tiêu thụ ở trong vùng mà đã vươn xa theo sông Đồng Nai đi đến các tỉnh lân cận, miền Tây và các tỉnh miền Bắc xa xôi. Đó là những sản phẩm đã góp phần xây dựng và làm đẹp cho công trình di tích và các công trình xây dựng nổi tiếng trong và ngoài tỉnh như: Bia đá ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ tỉnh ủy Biên Hòa, Ngã ba Giồng Sắn; các bậc tam cấp, đèn đá, bia đá, chạm trổ hoa văn ở Văn miếu Trấn Biên; bảng đá dát vàng trên đá ở “Bảo tàng Đồng Nai”; tượng đài hình cá trước trụ sở tỉnh ủy Bến Tre; Tượng đài Nguyễn Trung Trực huyện Cai Lậy và mộ danh nhân Lê Văn Việt (Tiền Giang); bia đá ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh), công trình vỉa hè đường ở thành phố Vũng Tàu đã góp phần tạo nên diện mạo sang trọng của thành phố... Đặc biệt, một số sản phẩm như: kỳ lân, tượng Phật, khám thờ và các sản phẩm đá mỹ nghệ còn có mặt ở cả thị trường nước ngoài bởi những du khách từ Thái Lan, Đài Loan, Xingapo, Canada… đến tận nơi đặt hàng. Một số nghệ nhân có tay nghề cao tại địa phương đã từng được nhận bằng khen, giấy khen của các cấp, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Cùng với nhu cầu phát triển, tác động nền kinh tế thị trường, dần dần ở khu vực Bửu Long đã xuất hiện những người Việt làm đá. Sự giao thoa văn hóa và các hoạt động thờ cũng tín ngưỡng, văn hóa nói chung trở thành nét đẹp biểu trưng văn hóa Hoa - Việt trên đất Đồng Nai. Nghề điêu khắc đá tồn tại cùng với một số nghề khác của người Hoa ở Bửu Long hiện nay như: nấu ăn, buôn bán nhỏ đã trở thành nghề chính nuôi sống họ.