Hơn 300 năm kết tinh nghề điêu khắc đá Bửu Long
Là một trong những nghề truyền thống lâu đời nhất của Đồng Nai, điêu khắc đá Bửu Long (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) đã trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển. Nơi đây nổi tiếng với những sản phẩm đá mỹ nghệ tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, được ưa chuộng không chỉ trong nước mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế.
Đặc sắc nghề truyền thống
Làng nghề thủ công lâu đời nhất Đồng Nai, Làng đá mỹ nghệ Bửu Long, một làng nghề truyền thống nằm cách thành phố Hồ Chí Minh gần 40km về phía Tây Nam, trải dài theo đường Huỳnh Văn Nghệ thuộc phường Bửu Long ngày nay (TP.Biên Hòa). Nghề được truyền theo kiểu cha truyền con nối với những bí quyết trong các công đoạn chế tác sản phẩm. Nghề điêu khắc đá đòi hỏi sự cẩn trọng, tính kiên trì, cần cù, tỉ mỉ và sự sáng tạo với tính mỹ thuật cao.
Sản phẩm điêu khắc từ làng nghề Bửu Long rất phong phú, từ các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như tượng thờ, khám thờ, tượng linh thú, tượng bộ, lư hương, bát nhang, đèn, linh vị, bia, nhà mồ…, các kết cấu kiến trúc như tán, cột, kèo, các mảng trang trí… đến các vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày như cối xay, cối giã gạo, ly chén, bình đựng, bộ cờ… Với những đặc trưng của loại đá tại Bửu Long mà việc chạm trổ cũng khó hơn đòi hỏi người thợ phải có những cách thế xử lý riêng trong chế tác.
Các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề đá Bửu Long đang sáng tạo tác phẩm.
Đá để chế tác sản phẩm đá mỹ nghệ Bửu Long là đá tấm, đá phiến khai thác từ núi Bửu Long tại địa phương. Sở dĩ nghề đá ở Bửu Long nổi trội hơn nhiều nơi khác là nhờ vào chất liệu đá đặc biệt ở đây – một loại đá xanh rất mịn, cứng, không có hoa văn, không lấp lánh và không bị phai mờ hay hoen ố theo thời gian. Những người thợ tìm đá nguyên liệu được gọi là thợ làm “đá sống”, từ đây, những người thợ điêu khắc đá bắt đầu công việc chế tác sản phẩm, gọi là thợ làm “đá chín”. Tuy có nguồn nguyên liệu tại chỗ nhưng những người thợ đá ở Bửu Long cũng phải lên tận núi, tìm những tảng đá phù hợp rồi tự đục, đẽo mang về.
Một khối đá sống muốn thành một sản phẩm cần qua bốn công đoạn tạo tác bao gồm: vạt mảng tạo dáng, vẽ chi tiết trên đá đã tạo dáng (bằng mực nho), đục hoàn chỉnh và tạo hình, đánh bóng sản phẩm (bằng đá mài). Người thợ còn phải sử dụng nhiều thủ thuật với nhiều loại công cụ khác nhau như đục nhảy, đục phá, đục láng, đục rãnh, đục khớp, đục vòng… để làm cho khối đá trở nên sinh động và có hồn. Khó nhất là công đoạn tạo hình và đánh bóng – người thợ đá phải làm việc miệt mài, có khi mất cả năm trời mới hoàn thành được một sản phẩm. Cho dù ngày nay việc khắc chạm được hỗ trợ bởi cơ khí đã giúp công việc dễ dàng và nhanh chóng hơn, nhưng để đạt được độ tinh xảo vẫn cần đến đôi bàn tay khéo léo lành nghề của người thợ. Các sản phẩm như tháp sen, tượng rồng, lân hay sư tử dũng mãnh… đều được người thợ thổi hồn vào để trở thành những tác phẩm độc đáo, có giá trị. Nghề chơi cũng lắm công phu. Một người muốn thạo nghề phải trì chí đục đẻo với thời gian không dưới hai năm.
Nguy cơ mai một làng nghề
Tuy nhiên, từ năm 1990 khi Khu du lịch Bửu Long được công nhận danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và đến năm 1996 khi thành phố Biên Hòa ban hành quyết định cấm khai thác đá ở hồ Long Ẩn (thuộc quần thể Khu du lịch Bửu Long) để bảo toàn cảnh quan, không làm ảnh hưởng đến du lịch thì người dân làng đá đã bắt đầu gặp khó khăn.
Để duy trì sản xuất, người dân làm nghề đá phải tìm mua nguyên liệu tận các mỏ đá ở Hóa An, Tân Hạnh (Biên Hòa), Tân Hiệp (Bình Dương)… Với công vận chuyển và tiền nguyên liệu cao, chưa kể đá ở các vùng này chất lượng không tốt, độ mịn và màu xanh không “sắc” bằng đá ở Bửu Long nên việc sản xuất và sản phẩm cũng có những ảnh hưởng nhất định. Số cơ sở từ 30 cách đây 10 năm đã giảm xuống chỉ còn 4 tại thời điểm hiện nay (Công ty đá Tân Phát Hưng, Cơ sở đá Nhật Thành, Cơ sở đá Xuân, Cơ sở đá Thanh Tâm).
Hầu hết cơ sở còn tồn tại đến nay là nhờ làm bia mộ hoặc cầu thang, đèn đá cho các công trình hay công viên, đá lát lề đường… Những bức tượng nghệ thuật như Đức Phật, Phước Lộc Thọ, Tứ linh… họa hiếm mới có người đặt. Sự cạnh tranh do đó càng trở nên gay gắt, chỉ những cơ sở lớn, có uy tín về tay nghề mới có thể tồn tại được. Số phận của những người thợ đá cũng trở nên bấp bênh, đa phần đã phải đầu quân ở các tỉnh, thành khác hoặc phải bỏ nghề truyền thống sang làm các nghề thời vụ, thậm chí phải chuyển nghề.
Tuy nhiên nơi đây vẫn còn những người thợ tâm huyết với nghề, với họ việc duy trì nghề không chỉ là đam mê, sự mặn mà với các thành phẩm từ đá, mà còn là cả trách nhiệm của thế hệ sau đối với văn hóa làng nghề đã tồn tại và phát triển qua hàng trăm năm. Hy vọng cơ quan chức năng thành phố Biên Hòa sẽ sớm có kế hoạch, tạo điều kiện cho người dân để cái nghề này nhân rộng, nhất là để du khách Việt khi đến với vùng đất này còn có dịp nhìn lại những nét văn hóa, lịch sử hào hùng của thế hệ đi trước mà thêm yêu mến, tự hào.